Cơ sở hạ tầng tỉnh Đắk Nông

CƠ SỞ HẠ TẦNG TỈNH ĐẮK NÔNG

1. Hạ tầng giao thông tỉnh Đắk Nông

Mạng lưới giao thông của tỉnh Đắk Nông chủ yếu là đường bộ, chưa có đường sắt và đường hàng không.
 
Quốc lộ. Có 3 tuyến với tổng chiều dài là 310 km, phần lớn đã được trải nhựa, còn 89,5 km là đường cấp phối. Đó là các tuyến: QL 14 (Km733-Km887) đoạn qua tỉnh dài 155 km, chạy qua địa bàn hầu hết các huyện trong tỉnh (trừ Krông Nô), nối tỉnh Đắk Nông với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên và với các tỉnh phía Nam; QL 14C (Km70- Km168): Đoạn chạy qua tỉnh dài 98 km, đi qua các huyện Đắk Mil, Đắk Song và Đắk R'Lấp (đi cửa khẩu Buk Prăng) hiện chưa được nâng cấp, vẫn còn 89,5km đường cấp phối; Quốc lộ 28 (Km121- Km179): Nối tỉnh Đắk Nông với tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh miền Trung, đoạn qua tỉnh dài 58 km.

cơ sở hạ tầng tỉnh đắk nông
Hiện nay đã đầu tư khôi phục, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường như mở rộng quốc lộ 14 qua thị xã Gia Nghĩa, thị trấn Đắk Mil, thị trấn Đắk RLấp, mở rộng quốc lộ 28 qua thị xã Gia Nghĩa, thị trấn Quảng Khê, xây dựng Quốc lộ 28 đoạn tránh ngập thuỷ điện Đồng Nai 3-4, sửa chữa Quốc lộ 14C, nâng tỷ lệ nhựa hoá đường quốc lộ lên 76%
Tỉnh lộ. Gồm có 6 tuyến với tổng chiều dài 318 km, còn 192 km đường đất chiếm 60,4%, gồm các tuyến: Tỉnh lộ 681: Kiến Đức - Tuy Đức dài 36 km; Tỉnh lộ 682: Đức Mạnh - Đắk Song dài 24 km; Tỉnh lộ 683: Đắk Mil - Krông Nô dài 40 km; Tỉnh lộ 684: Gia Nghĩa - Cư Jút dài 111 km; Tỉnh lộ 685: Kiến Đức - Cai Chanh dài 45 km; Tỉnh lộ 686: Đắk Bút So - Quảng Sơn dài 62 km. Hệ thống các đường tỉnh lộ trong 5 năm qua đã nhựa hoá được 120 km, nâng tỷ lệ nhựa hoá đường tỉnh lên 84%.

Đường huyện. Với tổng chiều dài khoảng 497 km, trong đó chủ yếu là đường đất. Trong giai đoạn 2006-2010 đã làm mới 171km nhựa, nâng tỷ lệ nhựa hoá đường huyện lên 65%.

Đường xã, thôn buôn, bon: Có khoảng 2.173km, chủ yếu là đường đất. Đến nay đã có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, nhưng mới được trải nhựa và bê tông hóa có 17,6%, chủ yếu đoạn qua các thị trấn huyện, trung tâm xã. Giai đoạn 2006-2010 hệ thống đường xã, thôn, buôn/bon làm mới được 307 km nhựa, nâng tỷ lệ nhựa hoá lên 21%. Có 30 buôn, bon được làm đường nhựa, nâng số buôn bon có đường nhựa lên 69/139, nâng tỷ lệ đường các buôn/bon được nhựa hóa lên 50%.

2. Hạ tầng điện lực tỉnh Đắk Nông

Nguồn điện sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt của tỉnh Đắk Nông chủ yếu từ lưới điện quốc gia, đã đầu tư xây dựng và vận hành trạm 110KV-16MVA.
 
Hệ thống điện đã được phát triển rộng khắp, với 4 Trạm biến áp 110kV; lưới điện phân phối với 86,5km đường dây 35kV; 1.517 km đường dây trung thế 10kV và 22kV; 1.223 km đường dây hạ thế và 1.098 Trạm biến áp phụ tải, với tổng dung lượng là 161.730,5kVA. Tại các Khu Công nghiệp và Tiểu thủ Công nghiệp cũng đang khẩn trương cấp điện cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng điện lớn như: Nhà máy gỗ ván MDF Long Việt, Nhà máy gỗ ván Khải Vy, Nhà máy Alumin Nhân Cơ…
 
Hệ thống điện lưới đang được cải tạo, nâng cấp, mở rộng đến vùng sâu, vùng xa. Trong 5 năm qua có nhiều dự án được triển khai xây dựng như: dự án 10 thôn, bon có đường dây trung áp đi qua; chương trình 10 thôn, bon căn cứ cách mạng; 20 bon đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; chương trình 37 thôn, buôn thuộc dự án năng lượng nông thôn và hiện nay đang thực hiện hiện dự án 116 thôn, bon thuộc chương trình cấp điện 5 tỉnh Tây Nguyên của Chính phủ. Đến cuối năm 2010 có 100% thôn, buôn, bon có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ được sử dụng điện đạt 90%.
 
Sản lượng điện tiêu thụ toàn tỉnh Đắk Nông tăng với tốc độ tương đối cao, bình quân giai đoạn 2006 – 2010 đạt 23,7%/năm.

3. Hạ tầng thuỷ lợi và cấp, thoát nước đô thị tỉnh Đắk Nông

Tỉnh đã đầu tư xây mới 74 công trình thủy lợi, nâng cấp 9 thuỷ lợi, 2 trạm bơm. Tổng số công trình thủy lợi đã hoàn thành đưa vào sử dụng cho đến nay 186 công trình, các công trình thủy lợi trên hiện tưới chủ động cho lúa 2 vụ khoảng 4.104 ha, 18.232 ha cà phê, đáp ứng khoảng 44% diện tích có nhu cầu.
 
Cấp nước sinh hoạt: Tỷ lệ hộ được dùng nước sạch trong sinh hoạt 70%, đặc biệt là các vùng thị xã, thị trấn và một số thôn bon đồng bào dân tộc có tỷ lệ dùng nước sạch trên 90%, hiện nay tỉnh đang phấn đấu đưa tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch đạt mục tiêu 85% trong năm 2012.
 
Về thoát nước: Hiện tỉnh đang đầu tư hệ thống thu gom và khu xử lý nước thải tập trung cho các đô thị và các khu cụm công nghiệp.

4. Hạ tầng bưu chính, viễn thông tỉnh Đắk Nông

Hạ tầng bưu chính, viễn thông phát triển cả về qui mô và chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có 10 bưu cục, 43 điểm bưu điện văn hóa xã, 107 đại lý bưu điện đa dịch vụ; bình quân 3.037người/ điểm phục vụ, bán kính bình quân một điểm phục vụ 3,6 km.
 
Cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông được đầu tư rộng khắp từ trung tâm tỉnh đến các huyện, thị và các xã trên toàn địa bàn tỉnh. Hệ thống mạng cáp quang có chiều dài là 2.314 km, hệ thống mạng cáp đồng có chiều dài là 319 km. Tổng số thuê bao điện thoại cố định là 82.131 thuê bao, mật độ điện thoại cố định là 18,7 máy/100 dân. Dịch vụ điện thoại di động được cung cấp bởi 6 doanh nghiệp gồm VinaPhone, MobiFone, Viettel, Sfone, EVN Telecom, Vietnamobile. Tổng số trạm BTS là 592 trạm; Tổng số thuê bao di động trả sau là 30.612 thuê bao.

cơ sở hạ tầng tỉnh đắk nông 2

Đến năm 2010, đã có 100% số xã có điện thoại cố định, cáp quang được kéo đến 80% các xã và 100% khu vực trung tâm các xã trên địa bàn tỉnh đều có sóng điện thoại di động. Ngoài ra, các dịch vụ viễn thông di động 3G, dịch vụ truy cập Internet qua mạng di động 3G, dịch vụ Internet băng thông rộng (ADSL) và dịch vụ truyền hình qua giao thức Interrnet (IPTV) đã được triển khai, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng của địa phương.

5. Hạ tầng khu, cụm công nghiệp

Tỉnh Đắk Nông đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng hai khu công nghiệp là Tâm Thắng (CưJut) và Nhân Cơ (ĐăkR'lâp), đồng thời triển khai đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp Đắk Ha (ĐăkGLong), Đắk Song, Krông Nô, Quảng Tâm (Tuy Đức), Thuận An (Đắk Mil) và CCN thị xã Gia Nghĩa, nhằm thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh.
 
Trong số này, khu công nghiệp Tâm Thắng có diện tích 181 ha, cơ bản đã đầu tư xong cơ sở hạ tầng. Hiện có 20 dự án đang hoạt động, 04 dự án đang xây dựng cơ bản và 06 dự án đăng ký đầu tư; tổng vốn đăng ký đầu tư 1.186,6 tỷ đồng, vốn thực hiện 800,6 tỷ đồng; tỷ lệ lấp đầy KCN 56,4%, nếu tính cả các dự án đăng ký đầu tư thì tỷ lệ lấp đầy KCN là 77,2%. Khu công nghiệp Nhân Cơ có diện tích 95ha, chủ yếu phục vụ cho công nghiệp khai thác quặng bôxít và luyện alumin. Hiện nay đang đầu tư dự án nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ công suất 650.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư trên 12.000 tỷ đồng, dự kiến đến cuối năm 2012 nhà máy hoàn thành và đi vào hoạt động.
 
Đến hết năm 2010, các khu công nghiệp tập trung thu hút 189 dự án còn hiệu lực, vốn đăng ký đầu tư 1,7 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 680 triệu USD, chiếm 40% vốn đăng ký. Hàng năm, thu hút và giải quyết việc làm khoảng 5.000-10.000 lao động. Theo định hướng của tỉnh, các khu và cụm công nghiệp này phải gắn kết chặt chẽ với sản xuất, chế biến và tiêu thụ hàng nông lâm sản; tập trung phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp ngành nghề nông thôn gắn với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Nguồn: daknong.gov.vn cập nhật 2010

Ý kiến bạn đọc
Chia sẻ