Hưởng lợi từ hạ tầng giao thông, nhiều ông lớn đổ bộ bất động sản Bình Dương
Những năm gần đây, tình trạng đất chật - người đông, giá đất tại TP.HCM trở nên đắt đỏ, nguồn cung bị thiếu hụt nghiêm trọng. Trước tình trạng này, nhiều chủ đầu tư đã chuyển hướng sang các khu vực lân cận như Bình Dương, vốn là nơi có nhiều lợi thế về bất động sản.
Thống kê 2019, Bình Dương tiếp tục đứng top đầu cả nước về thu hút vốn FDI với tổng vốn đạt 3,073 tỷ USD, tăng 50% so với 2018. Dòng vốn FDI tập trung vào các lĩnh vực như sản xuất, xây dựng, dịch vụ và bất động sản (BĐS).
Bình Dương hiện có 28 khu công nghiệp với tổng diện tích 13.500 ha. Theo quy hoạch đến 2020, toàn tỉnh sẽ có 33 khu công nghiệp với tổng diện tích 14.790 ha. Trong đó, nổi bật là việc xây dựng khu đô thị - công nghiệp VSIP III 1.000 ha tại Băc Tân Uyên với tổng mức đầu tư 6.407 tỷ đồng.
Bên cạnh đó Bình Dương cũng là nơi lọt vào Top 21 thành phố thông minh trên thế giới, là thành viên thứ 106 của Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới; Sở hữu cơ cấu dân số vàng cùng GDP đầu người cao nhất cả nước (119.7 triệu/người); Lao động nhập cư mỗi năm tăng 50,000 người trong đó có 30,000 người là chuyên viên, lao động kỹ thuật cao. Đây là những điều kiện thuận lợi để Bình Dương thu hút đầu tư và phát triển.
Giới chuyên gia nhận định, không phải ngẫu nhiên mà các nhà đầu tư lớn đẩy mạnh "rót vốn" vào thị trường Bình Dương. Bên cạnh việc sở hữu vị trí chiến lược kết nối thuận lợi với TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương thu hút các ông lớn nhờ chính sách "trải thảm đỏ". Hàng loạt chủ đầu tư đã tìm đến Bình Dương gom quỹ đất để phát triển dự án như: Hưng Thịnh, Đất Xanh,Trần Anh, Phú Hồng Thịnh, Kim Oanh và đặc biệt là sự tham gia của "người khổng lồ" Vingroup - vốn nổi tiếng là chủ đầu tư hùng mạnh, đi tới đâu giá trị BĐS tăng lên tới đó cũng đang rục rịch đầu tư dự án 600ha tại Bắc Tân Uyên và 362ha tại Nam Tân Uyên.
Ngoài ra, mới đây, tín hiệu dòng vốn ngoại đổ bộ vào thị trường BĐS Bình Dương đã xuất hiện. Cụ thể, Quỹ Warburg Pincus của Mỹ bắt tay với Becamex IDC thành lập liên doanh BĐS công nghiệp, đón đầu làn sóng dịch chuyển nhà máy từ các nước châu Á vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Bình Dương và TP. Daejeon (Hàn Quốc) đã thực hiện nhiều chương trình hợp tác trên các lĩnh vực và đẩy mạnh việc đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Bình Dương. Điều này giúp cho thị trường bất động sản Bình Dương trở nên sôi động vì nhu cầu nhà ở lẫn bất động sản công nghiệp và thương mại – dịch vụ đều tăng cao.
Bắc Tân Uyên – điểm đến hấp dẫn của giới bất động sản
Bắc Tân Uyên có tốc độ đô thị hóa nhanh, công nghiệp phát triển mạnh, hạ tầng giao thông đồng bộ cùng với chính sách quy hoạch, phát triển rõ ràng. Trên địa bàn Bắc Tân Uyên có hơn 64 tuyến đường nối liền các khu vực trọng điểm của Bình Dương và trung tâm kinh tế của TP.HCM cùng các tỉnh Tây Nguyên như ĐT 747, ĐT 746, ĐT 746B...
Hiện nay, Bắc Tân Uyên đang tiếp tục đầu tư thêm nhiều công trình mới như vành đai 4, vành đai trong, tuyến metro thành phố mới Bình Dương-Uyên Hưng-Tân Thành, metro Dĩ An-Tân Uyên… Trong tương lai còn có thêm đường cao tốc TP.HCM-Lộc Ninh đi ngang qua Bắc Tân Uyên. Những công trình này không chỉ giúp Bắc Tân Uyên tăng tốc mà còn là điểm tựa cho thị trường BĐS phát triển.
Hiện tại, Bắc Tân Uyên hội tụ đầy đủ tiềm năng tăng trưởng mạnh về giá trị. Đặc biệt, Bắc Tân Uyên đang có quỹ đất rất lớn để phát triển những đại đô thị quy mô, đồng bộ, thu hút những ông lớn tầm cỡ đổ về đầu tư, kỳ vọng thị trường Bắc Tân Uyên sẽ khởi sắc.
Nguồn: cafef.vn